Tin tức

Ai trong chúng ta, đều muốn có được sự thanh tịnh trong tâm hồn

Hầu như ai trong chúng ta, đều muốn có được sự thanh tịnh trong tâm hồn của mình. Và ai ai cũng mong được hạnh phúc và quên đi những khó khăn, phiền muộn sâu thẳm đáy lòng, để tận hưởng những phút giây an lạc trong nội tâm, giải thoát nỗi âu lo, buồn bã. Vậy làm thế nào đế mang lại an lạc trong tâm hồn, và quan trọng nhất là cách giúp bạn làm được điều đó mỗi khi gặp khó khăn. Hãy tham khảo bài viết sau, ắt sẽ giúp cho tâm của bạn vượt thoát những suy nghĩ lo lắng. Trả lại phút giây ngắn ngủi cho sự an tịnh trong tâm hồn bạn.

Nghe như không nghe thì tâm thanh tịnh rồi

Đến khi nào sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà thấy như không thấy, nghe như không nghe thì tâm thanh tịnh rồi. Đối với tất cả các pháp thì rất rõ ràng, minh bạch. Tuy đã rõ rồi nhưng trong tâm không chấp trước. Nói dễ hiểu hơn chút là tuyệt đối không để trong tâm mấy chuyện này, trong tâm cái gì cũng đều không có. “Vốn không có một vật” mà Lục Tổ nói là tâm không có gì cả. Đến lúc đó liền được tâm thanh tịnh, vãng sanh mới nắm chắc được.

Nghe như không nghe thì tâm thanh tịnh rồi
Nghe như không nghe thì tâm thanh tịnh rồi

Lục Tổ nói rất hay: “Vốn không có một vật, nơi nào dính bụi trần” chính là vô tướng. “Vô tướng” không phải là nói không có hiện tượng bên ngoài mà là trong tâm không chấp trước mọi hình tướng. Vì thế vô tướng không phải là không có cái tướng bên ngoài mà là không có tất cả vọng tưởng, chấp trước ở trong tâm.

Tâm thanh tịnh thì dẫu trong khốn cảnh vẫn không ưu phiền

Học Phật chỉ cần bản thân mình trì giới, người khác có trì giới hay không đừng bận tâm, đều xem người khác là người thanh tịnh nhất. Tâm chúng ta thanh tịnh mới có thể có định được, đây là điều mà quý vị đồng tu phải biết. Cho nên giới luật của Phật, bất luận là giới Tiểu thừa hay giới Bồ tát đều là để cảnh tỉnh bản thân, tuyệt đối không phải để cảnh tỉnh người khác.

Giới tiểu thừa làm lợi cho bản thân; giới Đại thừa thì làm lợi cho đại chúng, tức là khi sống chung với mọi người thì ta phải nên tuân thủ những gì chứ không phải là yêu cầu người khác phải tuân thủ những gì. Đây là giới luật nhà Phật, không giống như quy định của pháp luật thế gian. Pháp luật thế gian còn có kẻ hở còn Phật pháp thì không có kẻ hở.

Phật Pháp là luôn kiểm điểm bản thân thì mới được tâm thanh tịnh, mới được thiền định thật sự. Chỉ hỏi bản thân có kính người khác hay không, còn người khác có kính mình hay không thì không để trong tâm, vậy thì tâm định rồi, tâm được thanh tịnh rồi. Trong tâm không chấp trước thì không có phiền não, không có âu lo, không có bận lòng. Trong tâm cái gì cũng không có vậy thì sao? Tâm sẽ tràn đầy ánh sáng từ bi trí tuệ, so với chư Phật, Bồ tát không xa, đấy mới là tương ứng.

Những đặc điểm chính của tâm thanh tịnh

  • Thứ nhất, tâm trong sạch là tâm không bị nhiễm bẩn bởi 4 điều là sự hung dữ, ác độc; sự tham lam, ích kỉ; sự sân hận và sự hiểu sai đạo lý.
  • Thứ hai, tâm trong sạch là tâm được hỗ trợ bởi cái phước. Chứ không phải cái tâm tự đứng một mình. Cái phước được hình thành, tích lũy từ những việc làm, những suy nghĩ đúng đắn, tích cực của ta. Nó là yếu tố quan trọng nhất nuôi dưỡng, duy trì sự sống cho tâm hồn và bộ não. Khi được phước hỗ trợ, ta sẽ trở nên thông minh, sáng suốt hơn; có thể điều khiển được tâm mình; dễ ngủ và dễ tập trung hơn.
Tâm trong sạch là tâm được hỗ trợ bởi cái phước
Tâm trong sạch là tâm được hỗ trợ bởi cái phước
  • Thứ ba, tâm trong sạch là tâm không ưa thích hưởng thụ, dục lạc; việc ăn uống không phải là ăn cho no, cho chán mà ăn đủ chất để đảm bảo sức khỏe; biết từ bỏ những thú vui của cuộc đời (ma túy, nhậu nhẹt, game,..).
  • Thứ tư, tâm trong sạch là tâm thường khởi lên những ý niệm lành và thiện. Đó là ý niệm thương người; ý niệm tôn kính Phật, tôn kính các bậc Thánh, kính trọng những người đáng kính; ý niệm bao dung với những người kém hơn mình về tài sản, tài năng, đạo đức, phước lành, v.v…
  • Thứ năm, tâm trong sạch là tâm có tu tập thiền định, đạt được chánh niệm hoặc cao hơn là chánh định nhưng kín đáo, khiêm tốn, không kiêu mạn. Người đạt được chánh niệm lúc nào cũng an trú được trong pháp môn mình tu, tâm tỏa sáng, thanh tịnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *