Tin tức

Hiểu về Tiểu hiếu, Trung hiếu và Đại hiếu ở đời

Đức Phật thường dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Chính lời dạy này đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu hành. Để cha mẹ và chúng ta đều được hưởng lợi lạc, thì việc thực hiện đúng chính pháp về tâm hiếu, hạnh hiếu là rất quan trọng. Công đức của người có đủ Tiểu hiếu và Trung hiếu chỉ bằng nắm đất trong móng tay Phật. Còn tâm Đại hiếu lại thường rộng mở, hướng về đấng sinh thành, ông bà, cửu huyền thất tổ trong vạn đời, vạn kiếp, công đức ấy có thể ví bằng cả trái địa cầu.

Thế nào là hiếu nghĩa?

“Hiếu” là tâm tri ân, biết ơn. Mỗi chúng ta đều không thể tự sinh ra, không tự dưng đến với cuộc đời. Cho dù một cái máy cũng cần có người tạo ra, lắp ráp các bộ phận với nhau mới thành. Bất cứ con người hay vạn pháp xuất hiện trên đời này đều mang nặng thâm ân. Nếu không biết tri ân, chúng ta trở thành máy móc, vô tình, vô nghĩa.

Chúng ta ai cũng từng được ấp ủ trong vòng tay của cha mẹ
Chúng ta ai cũng từng được ấp ủ trong vòng tay của cha mẹ

Chúng ta vẫn thường đỉnh lễ tứ trọng ân: (1) Ân của đất nước, quê hương, (2) Ân của quốc gia xã hội, (3) Ân của thầy bạn, (4) Ân của cha mẹ. Trong bốn ân đức đó, gần gũi nhất, dễ cảm nhận nhất vẫn là ân đức cha mẹ. Chúng ta ai cũng từng được ấp ủ trong vòng tay của mẹ. Được dìu dắt trong tình thương của cha, nuôi nấng tới khi lớn khôn. Khi trưởng thành, lập gia đình, bận rộn con cái, công việc. Chúng ta dễ dàng quên đi ân nghĩa mẹ cha.

Nếu còn cha mẹ tại thế, chúng ta sẽ quay trở về bên vòng tay từ ái của bậc sinh thành để ý thức được rằng mình vẫn may mắn còn mẹ, còn cha, còn có thể kịp thời báo hiếu, bằng cách vâng lời, phụng dưỡng, bằng cách khuyên cha mẹ quy y Tam bảo để có thể nương tựa vào con đường tâm linh. Với những ai cha mẹ đã quá vãng, tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu. Chúng ta nên phát nguyện tụng kinh, niệm Phật, tích lũy công đức hồi hướng trọn vẹn để cầu nguyện cho cha mẹ của chúng ta được siêu thoát.

Hiếu nghĩa là phước đức

“Nếu mình hiếu với mẹ cha, thì con cũng hiếu với ta khác gì. Nếu mình ăn ở vô nghĩ, đừng mong con hiếu làm gì uổng công”. Đúng như vậy! Luật nhân quả rất công minh, ai gieo điều lành, sẽ gặt quả lành. Đời là vô thường, nếu không biết tranh thủ lo sống hiếu nghĩa và tạo phước đức với đời; thì khi cái chết đến không mang theo được gì. Mà tất cả mọi vật chất chúng ta cực khổ tạo ra, đều phải để lại trần gian, cho chúng cấu xé, tranh giành; hoặc phải bị “lửa đốt cháy, nước cuốn trôi, bị cướp ngày, cướp đêm, rồi con phá” để rồi phải nuối tiếc, đau thương, khốn khổ, thì uổng cho một kiếp người.

Nếu mình hiếu với mẹ cha, thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình hiếu với mẹ cha, thì con cũng hiếu với ta khác gì

Ông, bà, cha, mẹ là những ruộng phước phì nhiêu. Nếu mỗi chúng ta, tranh thủ gieo giống vào, bèn cách lo phụng dưỡng hết mình với tâm thành, thì đoan chắc rằng sẽ có phước báu trước mắt. Cụ thể là có được niềm vui, khi ông bà cha mẹ vui. Từ đó sẽ không có tật bệnh, thoải mái, phấn khởi vui chơi cùng con cháu, mọi người sẽ khen tặng, xã hội và luật nhân quả sẽ đền bù thoả đáng.

Đạo hiếu có ba cấp độ – Tiểu hiếu, Trung hiếu và Đại hiếu

Tiểu hiếu

Tiểu hiếu là những người con biết tri ân, kính ngưỡng, vâng lời cha mẹ; không bao giờ làm gì trái ý, biết cung phụng cha mẹ lúc tuổi già. Song thân xác vốn từ vay mượn, dù con cái có ra sức cung phụng, tẩm bổ bao nhiêu. Cha mẹ cũng không thể nào sống mãi, vẫn có một ngày cha mẹ phải bỏ thân này trả về cho tứ đại. Lúc ấy tinh thần của cha mẹ biết nương đâu? Đức Phật dạy rằng, lúc sống chúng ta có thể nương tựa thân nhân. Nhưng khi chết ra đi chỉ có một mình. Nếu không chuẩn bị trước, tinh thần của người chết sẽ vô cùng hoảng loạn, sợ hãi. Bởi vậy, tất cả các Phật tử, nếu đã có tiểu hiếu thì cần hướng đến mức thứ hai là trung hiếu.

Trung Hiếu

Người Trung hiếu biết hướng cha mẹ
Người Trung hiếu biết hướng cha mẹ

Người Trung hiếu biết hướng cha mẹ về thực hành Phật pháp, quy y Tam bảo. Nhờ vậy, sau khi bỏ thân này, cha mẹ có nơi nương tựa tâm linh, không chịu khổ lạnh lẽo, cô đơn trong cảnh trung ấm.

Đại Hiếu

Không dừng lại ở đó, Phật tử cũng nên thực hành Đại hiếu. Trong bao kiếp trôi lăn trong luân hồi, chúng ta không chỉ có cha mẹ trong kiếp này. Nếu đã từng sinh ra làm gà, có mẹ gà xoè đôi cánh ấp ủ cho chúng ta. Nếu từng làm mèo, có mẹ mèo cho chúng ta dòng sữa. Như vậy, dù lặn ngụp bao kiếp trong biển luân hồi. Kiếp nào chúng ta cũng hưởng trọn tình thương của cha mẹ.

Phật tử biết tuy giờ mình được làm người, song cha mẹ nhiều đời vẫn có thể lưu lạc trong cảnh địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Vì vậy, tâm hiếu của Phật tử không chỉ hạn cuộc đến cha mẹ, ông bà tổ tiên trong đời này. Bạn cần mở rộng lòng mình, trải tâm hiếu thuận hướng rộng khắp đến cửu huyền thất tổ từ nhiều đời kiếp. Đấy gọi Đại hiếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *